(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 3/5/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 153.467.676 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.215.537 ca tử vong và 130.751.164 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 667.831 ca mắc và 9.349 ca tử vong mới vì đại dịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (370.059 ca); Mỹ (29.401 ca); Brazil (28.935 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (25.980 ca); Iran (18.698 ca); Colombia (15.909 ca) … Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (3.422 ca); Brazil (1.074 ca); Colombia (485 ca); Iran (394 ca); Nga (342 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (340 ca); Mỹ (306 ca)…
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới. Tính đến nay, châu lục này ghi nhận số người nhiễm COVID-19 với tổng cộng 44.775.176 người, với 1.018.303 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 74.518 ca nhiễm mới và 1.543 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.652.247 ca mắc COVID-19 và 104.819 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 9.888 ca nhiễm mới và 113 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Châu Á đã có tổng cộng 40.492.549 ca nhiễm và 530.934 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 478.550 ca mắc và 4.964 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 34.737.697 ca được điều trị khỏi; 5.223.918 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 33.842 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới khi liên tiếp trong 10 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận với hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Làn sóng dịch bệnh đáng sợ đang nhấn chìm đất nước đông dân thứ 2 thế giới, khi các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, trang thiết bị y tế thiếu hụt trong khi các y bác sỹ trở nên kiệt quệ, không đủ sức chống đỡ với số ca nhiễm hiện sắp chạm ngưỡng 20 triệu người. Ngày 2/5, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 370.059 ca mắc mới COVID-19. Theo đó, số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 19.919.715 ca và 218.945 ca.
Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế bang Haryana của Ấn Độ Ani Vij cho biết lệnh phong tỏa hoàn toàn 7 ngày trên toàn bang sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 3/5 và kéo dài trong 1 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Nằm sát bang Delhi, Haryana là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở Ấn Độ. Bang này đang trải qua lệnh phong tỏa cuối tuần được áp đặt từ ngày 30/4 và kéo dài đến sáng 3/5. Trong khi đó, bang Delhi đang bị áp đặt lệnh phong tỏa được gia hạn thêm 7 ngày, cho đến ngày 10/5. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq, Philippines. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 4,8 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 2,5 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19…
Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân có biểu hiện bệnh nghiêm trọng ở nước này đã tăng ở mức cao nhất là 1.050 ca trong 24 giờ qua, vượt kỷ lục cũ là 1.043 ca ngày 27/1 khi một vài tỉnh của nước này được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ hai về dịch bệnh. Nhật Bản cũng ghi nhận thêm 5.900 ca nhiễm mới và 61 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 604.885 ca và 10.400 ca tử vong.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 19.047 ca mắc mới và 261 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.441.388 người mắc COVID-19, trong đó 68.396 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối này có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia (144 ca), Philippines (77 ca), Thái Lan (21 ca), Malaysia (12 ca), Campuchia (4 ca) và Timor-Leste (1 ca).
Bộ Y tế Lào ngày 2/5 cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng trở lại mức 3 con số với 112 ca tại 6 tỉnh/thành nước này. Đây là lần thứ 2 Lào ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 2 con số trong 2 năm qua. Tính đến này, Lào ghi nhận tổng cộng 933 ca mắc COVID-19, trong đó có tới gần 900 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay và không có trường hợp tử vong.
Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Trước đó, hôm 28/4, Malaysia đã cấm các chuyến bay qua lại với Ấn Độ và cấm nhập cảnh đối với mọi du khách từng đến quốc gia Nam Á này nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Philippines thông báo cũng ghi nhận thêm 8.346 ca mắc và 77 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.054.983 ca, trong đó có 17.431 ca tử vong. Nhiều ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ASEAN.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 40.882 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.435.460 ca, tổng số người tử vong là 863.818 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 30.167.073 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.347.780 ca nhiễm và 217.168 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 25.089.417 ca nhiễm; 678.649 ca tử vong và 22.649.860 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 14.754.910 ca nhiễm, trong đó 407.639 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, Papua New Guinea và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 14 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.826 ca, trong đó 910 ca tử vong. Papua New Guinea là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất châu lục với 87 ca nhiễm, trong đó New Zealand ghi nhận có 5 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV2 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.611.226 ca mắc COVID-19, trong đó 122.616 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.584.064 trường hợp, trong đó 54.417 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.222 ca mắc mới COVID-19 và 11 ca tử vong vì đại dịch. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm: Morocco, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya…
Theo Hoài Hà – Báo ĐCSVN