(ĐCSVN) – Đến sáng 12/5, thế giới có tổng số 160.309.580 ca nhiễm và 3.330.435 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 699.719 ca nhiễm và 13.000 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 12/5, đã có 138.048.776 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 18.930.369 ca bệnh đang điều trị, có 18.824.078 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 106.291 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 348.529 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (71.018 ca) và Mỹ (34.900 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 4.200 ca, sau đó là Brazil (2.275 ca) và Mỹ (743 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 81.696 ca nhiễm và 2.448 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.800.170; 4.896.842 và 4.439.691 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.629 ca, sau khi có thêm 22 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (123.282 ca) và Nga (113.976 ca).
Với 44.815.819 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 12/5, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 580.738 ca đã tử vong do COVID-19 và 38.857.245 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 23.340.456; 5.059.433 và 2.691.352 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 254.225; 43.589 và 75.568 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với 38.956.317 ca, trong đó có 873.259 ca tử vong và 31.042.439 ca được điều trị khỏi. Với 33.550.111 ca nhiễm và 596.946 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.366.496 và 1.299.572 ca nhiễm, cùng 219.089 và 24.714 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 121.084 ca nhiễm và 3.319 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 26.120.462 ca và 710.414 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 71.018 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 15.285.048 vào thời điểm hiện tại. Với 2.275 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 490 ca tử vong mới và Colombia với 429 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 12/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.690.285 ca, trong đó có 125.399 ca tử vong và 4.227.745 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.599.272 ca nhiễm và 54.896 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.086 ca nhiễm mới và 46 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 514.164 và 322.998 ca nhiễm bệnh cùng 9.083 và 11.556 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 64.357 ca nhiễm (tăng 159 ca) và 1.209 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.938 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh số người nhiễm COVID-19 trên thế giới liên tục gia tăng với tốc độ lây lan nhanh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ, còn gọi là biến thể B.1.617 đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới. Biến thể này là nguyên nhân chính gây ra làn sóng bùng phát mạnh dịch COVID-19 hiện nay ở Ấn Độ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine ngừa COVID-19. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nước này sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đã đưa ra đề nghị này./.
Theo Khánh Linh – Báo ĐCSVN